Vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ. Thường xuyên rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, Adeno virus, cúm, giun sán…

 

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin trên tại buổi lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng” do Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức, diễn ra tỉnh Bắc Ninh với chủ đề “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh“. Sự kiện có sự tham dự của khoảng 1.200 người.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng, biện pháp đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, hiện nay, đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch.

Cùng đó, từ tháng 5/2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia ghi nhận ca bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số liệu mới nhất tính đến 12/10/2022 thế giới đã có 72.198 ca mắc đậu mùa khỉ tại 109 nước và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Nước ta đang bước vào giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19“, phục hồi và phát triển kinh tế, khôi phục đời sống văn hóa, xã hội.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận sự xuất hiện của các biến thể mới của virus với khả năng lây lan nhanh hơn. Nhiều người sau khi tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là, chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em.

Vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng các đại biểu tham gia rửa tay bằng xà phòng.

Đến nay nước ta cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh đậu mùa khỉ nhập cảnh đã được kiểm soát và điều trị kịp thời không để lây lan. Bên cạnh đó, dịch bệnh tay chân miệng, Adeno virus có xu hướng gia tăng do tính chất lây truyền, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm, chưa có vaccine phòng bệnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm.

Rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng, nhất là trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, sau khi chăm sóc người bệnh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ. Thường xuyên rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, Adeno virus, cúm, giun sán…

Tổ chức Y tế thế giới nhận định nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân trong các cơ sở y tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế:
Vệ sinh tay thích hợp có thể ngăn ngừa đến gần 50% nhiễm khuẩn bệnh viện, do đó vệ sinh tay là một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, góp phần tạo ra môi trường bệnh viện an toàn trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân đồng thời đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân.

Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm rất cần mỗi người dân thường xuyên thực hành vệ sinh cá nhân rửa tay với xà phòng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Chúng ta cần cùng nhau đoàn kết, hợp tác nhằm tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng, giải quyết một cách toàn diện về sự chênh lệch về thói quen rửa tay giữa các vùng miền, dân tộc khác nhau; cũng như cung cấp đầy đủ các phương tiện, thiết bị cần thiết cho việc vệ sinh tay, rửa tay với xà phòng và nước sạch.

Duy trì thói quen rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh

Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, rửa tay với xà phòng để chủ động phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe của chính mình và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và cơ quan thông tấn báo chí ở tất cả các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích và hiệu quả của việc rửa tay với xà phòng trong phòng, chống dịch bệnh; để từ đó duy trì việc rửa tay với xà phòng dần dần trở thành công việc thường xuyên, thói quen hàng ngày của mỗi người dân.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đề nghị đưa việc giáo dục vệ sinh, rửa tay với xà phòng vào các hoạt động trong nhà trường cho các em học sinh và duy trì thành hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động ngoại khoá, cuộc thi tìm hiểu, phát động thi đua về vệ sinh phòng bệnh cho các thầy cô giáo và các em học sinh.

Vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 4.

vệ sinh tay là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ. Thường xuyên rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, Adeno virus, cúm, giun sán…

Bộ Y tế cũng đề nghị chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại, chợ, nhà ga, bến tàu xe, các khu du lịch, vui chơi giải trí và những nơi công cộng khác đảm bảo cung cấp, bố trí đầy đủ chỗ rửa tay, nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh tay để mọi người đều có thể thực hành rửa tay thường xuyên. Mỗi hộ gia đình cũng cần phải có đầy đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay.

Với mỗi người dân và các em học sinh cần thực hiện đầy đủ, thường xuyên việc rửa tay với xà phòng mọi lúc, mọi nơi nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

“Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng với sự tham gia của các ban ngành, các tổ chức xã hội, các thầy cô giáo, các em học sinh và mọi tầng lớp nhân dân các thói quen rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của chúng ta sẽ duy trì bền vững, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh hơn”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

(Theo CTTĐT Bộ Y tế)

https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/ve-sinh-tay-la-bien-phap-quan-trong-lam-giam-nguy-co-lay-nhiem-covid-19-benh-au-mua-khi

Trả lời